Xã hội càng văn minh, con người càng có nhu cầu biến những chiếc xe hơi thành phương tiện giao thông xanh và sạch hơn. Hiện nay, đã xuất hiện một số công nghệ sản xuất loại nhiên liệu sạch dùng để thay thế nhiên liệu hóa thạch truyền thống vốn không thân thiện với môi trường và đang dần cạn kiệt. Những loại nhiên liệu tái sinh như dầu diesel sinh học hoặc ethanol đang dần trở nên phổ biến và hứa hẹn sẽ được ưa chuộng nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm mà nhiên liệu tái sinh mang lại là các cuộc tranh luận xung quanh quá trình chế tạo chúng. Theo nhiều ý kiến, việc dùng cây trồng để sản xuất nhiên liệu (ví dụ như đậu tương và ngô) thay vì thực phẩm là bất hợp lý.
Những công nghệ tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng đang dần được hiện thực hóa và hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng với ngành xe hơi tương lai.
5. Nhiên liệu thay thế
Bên cạnh dầu diesel sinh học và ethanol, điện cũng là một lựa chọn an toàn cho môi trường. Như các bạn đã biết, xu hướng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô hiện nay đang tập trung xung quanh dòng xe hybrid. Nhờ sự kết hợp giữa động cơ đốt trong truyền thống và môtơ điện, những chiếc xe hybrid đã cải thiện đáng kể lượng nhiên liệu tiết kiệm. Ngoài ra, những chiếc xe chỉ chạy bằng riêng năng lượng điện như Tesla Roadster cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các đường phố. Không chỉ chấm dứt tình trạng phát thải khí độc hại vào môi trường, những chiếc xế điện còn có khả năng tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như ánh nắng mặt trời hoặc sức gió.
4. Hệ thống tránh va chạm
Sự an toàn và tính mạng con người cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất xe hơi, bên cạnh việc bảo vệ môi trường. Với hàng loạt các thiết bị trang bị tiêu chuẩn như dây an toàn, túi khí, hệ thống phanh chống bó cứng, hệ thống điều chỉnh cân bằng điện tử… những chiếc xế hộp dần trở thành phương tiện giao thông an toàn cho con người.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tình trạng tai nạn giao thông đã chấm dứt. Thay vào đó, mỗi năm vẫn có hàng triệu người tử vong do tai nạn trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng tại Mỹ, đã có 37.000 người chết vì tai nạn xe hơi trong năm 2008. Đó là động cơ thúc đẩy các hãng sản xuất xe hơi phát minh thêm những công nghệ an toàn hơn. Với phương châm đặt an toàn lên hàng đầu, hãng xe Thụy Điển Volvo đã trở thành nhãn hiệu tiên phong trong việc phát triển thành công công nghệ tránh va chạm ở tốc độ chậm. Hiện nay, công nghệ này đang được ứng dụng trên mẫu crossover XC60 của hãng.
Được đặt tên là “City Safety”, hệ thống dò tìm của Volvo sử dụng “LIDAR” (kết hợp giữa tia laser và sóng radar) để ngăn chặn nguy cơ va chạm tại vận tốc dưới 14,5 km/h. Không những thế, hệ thống City Safety còn có khả năng giảm lực va chạm tại vận tốc 29 km/h. Theo hãng Volvo, 75% các vụ va chạm thường xảy ra ở vận tốc dưới 29 km/h.
Ngoài Volvo, một số tên tuổi lớn khác trong làng xe thế giới như Audi, BMW, Lexus và Mercedes-Benz cũng đang ứng dụng các hệ thống điều khiển hành trình thích ứng với tia laser hoặc sóng radar đóng vai trò đặt khoảng cách giữa các phương tiện trên đường cao tốc. Chẳng bao lâu nữa, công nghệ tương tự sẽ được áp dụng trên nhiều loại xe giá rẻ hơn nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
3. Vật liệu độ bền cao và trọng lượng nhẹ
Để cải thiện lượng nhiên liệu tiết kiệm đồng thời cắt giảm khí phát thải, các nhà sản xuất đã nỗ lực hết mình để “ép cân” cho những chiếc xe. Song, với nhu cầu về các mẫu xe tiện nghi của khách hàng, các nhà sản xuất vẫn phải ứng dụng những trang thiết bị công nghệ cao và vật liệu cách âm vốn tăng đáng kể tổng trọng lượng sản phẩm.
Giải pháp mà các nhà sản xuất chọn lựa chính là những bộ phận làm bằng vật liệu nhẹ như nhựa hoặc polymer gia cố sợi cacbon (viết tắt là CFRP hoặc CRP). Tương tự các công nghệ xe hơi cải tiến khác, vật liệu trọng lượng nhẹ cũng rấy lên một cuộc chiến cạnh tranh gay gắt giữa các hãng xế hộp.
Tính năng của CFRP cũng gần giống như sợi thủy tinh. Sợi cacbon được bện thành một dây dài và dệt như vải để tăng độ bền chắc. Sau đó, nhựa hoặc polymer dẻo được ép giữa lớp sợi cacbon trong một cái khuôn. Sau quá trình đông cứng, các nhà sản xuất sẽ có ngay một loại vật liệu vừa dai vừa nhẹ (giảm 50% trọng lượng so với kim loại). Tất nhiên, giá thành sản xuất loại vật liệu tương tự không hề rẻ, do đó chúng thường chỉ được dùng để sản xuất các mẫu xe số lượng giới hạn.
Có thể kể đến một số mẫu xe hiện nay đang sử dụng phần lớn các bộ phận làm từ CFRP như Chevrolet Corvette Z06, Lexus LF-A, BMW M3…
2. Công nghệ “thông minh” hơn
Giải pháp cho tình trạng giao thông đông đúc và phức tạp hiện nay là những công nghệ thông minh hơn dành cho xe hơi. Nói một cách chính xác, các dòng xe hơi hiện đại ngày nay đang được vi tính hóa và trang bị nhiều phần mềm đa chức năng. Đơn cử trong số đó là hệ thống định vị toàn cầu GPS. Bằng cách thu thập dữ liệu từ vệ tinh định vị toàn cầu xoay xung quanh trái đất, hệ thống GPS có thể giúp người lái quên đi nỗi lo lạc đường.
Tuy nhiên, khi chúng ta mệt mỏi hoặc uống quá chén thì sao? Những hệ thống có khả năng quan sát mắt hoặc khuôn mặt người lái để tìm ra những dấu hiệu cần giúp đỡ của IBM hay Nissan chính là câu trả lời. Những hệ thống này quá đắt đỏ và phức tạp để ứng dụng cho các mẫu xe dùng hàng ngày. Song, những hệ thống tương tự như thế nhưng đơn giản hơn một chút đã bắt đầu đồng hành cùng một số mẫu xe thông thường. Ví dụ điển hình là công nghệ cảm ứng chuyển làn đường của hãng Volvo. Hệ thống có thể phát hiện dấu hiệu buồn ngủ của người lái, từ đó “gợi ý” họ nên dừng lại và nghỉ ngơi một lúc.
Trong tương lai, những chiếc xe điện thông minh có thể giao tiếp với hệ thống lưới điện và biết lúc nào nên nạp năng lượng, đặc biệt là vào ban đêm. Bạn có thể cài đặt chương trình cho xe nạp điện vào thời điểm giá điện thấp nhất hoặc khi điện được sản xuất từ nguồn tái sinh.
1. Xe tự lái
Trong xã hội bận rộn như hiện nay, con người thường tranh thủ làm thêm những công việc khác trong lúc lái xe. Do vậy, nhu cầu về những chiếc xe tự lái để người sử dụng hoàn toàn rảnh tay ngày càng tăng. Để khuyến khích các nhà thiết kế, DARPA, chi nhánh dự án thử nghiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã treo giải hàng triệu USD cho những nhóm phát triển thành công dòng xe tự lái. Trong cuộc thi năm 2007 mang tên DARPA Urban Challenge, các nhà thiết kế đã chứng minh một chiếc xe có thể sử dụng các cụm cảm ứng, GPS và hệ thống điều khiển máy tính để định vị giao thông mà không cần đến người lái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét